Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt, ngoài việc cụ thể hóa hệ thống các chính sách xã hội của trung ương, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết với hệ thống các chính sách phù hơp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực sự mang tính chiến lược, đột phá góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh
Giai đoạn 2016 - 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 11 Nghị quyết (1); giai đoạn 2020-2023, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tiếp tục quán triệt, chỉ đạo soát xét điều chỉnh bổ sung tích hợp các chính sách trước đó còn hiệu lực xây dựng ban hành các chính sách mới với 6 Nghị quyết (2), và tổ chức triển khai thực hiện với kết quả đạt nổi bật trên các mặt:
Một là, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giải quyết việc làm phù hợp với cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng năng suất, hiệu quả sử dụng lao động trong các ngành kinh tế.Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp xuống còn dưới 27%.
Giai đoạn 2011-2020, Lực lượng lao động đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ khu vực nông - lâm - ngư nghiệp sang khu vực xây dựng - công nghiệp và thương mại dịch vụ; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 58,57% (Năm 2011) giảm xuống còn 50,99% (Năm 2016). Đặc biệt là nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ trọng lao động trong khu vực Nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục giảm xuống còn 28,1%, khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng lên 23,9%, khu vưc Thương mại - Dịch vụ tăng lên 48%.
Về công tác GDNN, mạng lưới cơ sở GDNN tiếp tục được qui hoạch sắp xép tinh gọn, hiệu quả, quan tâm đầu tư, xây dựng, chú trọng phát triển các trường chất lượng cao, trường trọng điểm, ngành nghề trọng điểm. Quy mô cơ sở GDNN đã giảm từ 38 đơn vị năm 2017 xuống còn 22 đơn vị, bao gồm 04 trường cao đẳng, 04 trường trung cấp, 02 trung tâm GDNN cấp tỉnh, 10 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện. Đến nay, 02 cơ sở GDNN được Chính phủ lựa chọn đầu tư thành trường chất lượng cao; 30 nghề được lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, ASEAN và quốc tế. Các cơ sở GDNN từng bước tự chủ 100% kinh phí về chi thường xuyên. Quy mô, cơ cấu tuyển sinh học nghề hàng năm được mở rộng đáp ứng yêu cầu của thi trường lao động, với số lượng được cấp phép là: 19.840 chỉ tiêu/năm, trong đó: cao đẳng 1.240 sinh viên, trung cấp 5.940 học sinh. Hợp tác quốc tế về đào tạo nghề với CHLB Đức, Úc, hàng năm đào tạo 100 học viên theo chương trình hợp tác; đào tạo ngôn ngữ và du học nghề tại CHLB Đức mỗi năm 200 học viên.
Tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt từ 28-30%. Trung bình mỗi năm có trên 5.000 học viên tham gia học chương trình GDTX cấp THPT và học nghề trình độ trung cấp. Riêng thực hiện mô hình đào tạo trình độ trung cấp nghề gắn với THPT, sau 8 năm triển khai, đã có trên 15.000 học sinh THPT (giai đoạn 2020-2023 có trên 6.500 học sinh) được đào tạo nghề trình độ trung cấp đã tạo ra một lực lượng lao động trẻ có tay nghề, tham gia thị trường lao động ngay khi vừa mới tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, lao động bị thu hồi đất sản xuất, học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đào tạo. Giai đoạn 2016-2020 đào tạo hơn 60.000 lao động với tổng kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn 284 tỷ đồng chủ yếu là do người lao động đóng nộp, nguồn NSNN chỉ hõ trợ 90,8 tỷ đồng (chiếm 31%). Giai đoạn 2021-2023 đào tạo hơn 25.000 lao động với tổng kinh phí đào tạo 125 tỷ đồng (100%) người lao động tự đóng nộp nguồn ngân sách nhà nước chưa phân bổ hỗ trợ kinh phí.
Về giải quyết việc làm, tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động. Sau nửa nhiệm kỳ có 71.876 người lao động được giải quyết việc làm mới (đạt 71,9% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra 100.000). Về xuất khẩu lao động, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài lớn, giai đoạn 2020-2023 bình quân có trên 8.000 lao động/năm đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, thị xã tổng số người đang làm việc, học tập, sinh sống ở nước ngoài là 76.191 người tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, lực lượng lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài vẫn nằm trong nhóm 03 tỉnh đứng đầu cả nước.
Hai là, Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng mở rộng diện bao phủ (nhất là đối với lao động khu vực phi chính thức). Với chính sách hỗ trợ 20% mức đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Hà Tĩnh là một trong số các tỉnh đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nên tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng nhanh. Tính đến tháng 6/2023, tổng số người tham gia BHXH là 152.164 người (Trong đó BHXH bắt buộc là 96.983 người, BHXH tự nguyện là 55.183 người), tỷ lệ bao phủ BHXH là 22,1%; tổng số người tham gia BHTN: 81.587 người, đạt 11,8% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Ba là, thực hiện chính sách ưu đãi người có công, hỗ trợ thường xuyên và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro (mất mùa, thiên tai, đói nghèo,...)
Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho trên 400.000 lượt hồ sơ, trong đó 12 nhóm đối tượng theo quy định. Giai đoạn 2020-2023, bình quân mỗi năm Hà Tĩnh chi trả gần 1.000 tỷ đồng cho các đối tượng có công với cách mạng và thân nhân. Cùng với ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa được huy động hỗ trợ thu nhập cho thành viên hộ gia đình người có công chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, đến nay 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống cộng đồng dân cư nơi cư trú, không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng.
Các chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, cứu trợ đột xuất… được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Mỗi năm, có hơn 70.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, kinh phí thực hiện từ 400-450 tỷ đồng/năm. Hàng năm, thực hiện tốt việc thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dịp Tết Nguyên đán, kịp thời cứu trợ lương thực cho nhân dân cứu đói, giáp hạt, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội được củng cố tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật với đội ngũ cán bộ, viên chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu về qui mô số lượng và chất lượng về chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng tập trung đối với người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, người tâm thần kinh, rối nhiếu tâm trí, trẻ em mô côi, người lang thang cơ nhở.
Các chính sách trợ giúp xã hội Hà Tĩnh đã bao phủ đến tất cả đối tượng khó khăn, yếu thế. Là một trong nhóm các tỉnh ban hành chính sách riêng về hỗ trợ thu nhập, xã hội hóa hỗ trợ thu nhập đối với cho người có công, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, thành viên hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, đơn thân, không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng, mỗi năm với hơn 10.000 lượt đối tượng được hỗ trợ, kinh phí thực hiện khoảng 52 tỷ đồng (trong đó tập đoàn vingroup 32 tỷ đồng);
Bốn là, thực hiện chính sách giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân; đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình giảm nghèo có hiệu quả tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Giai đoạn 2016-2020 thực hiện đề án giảm nghèo bền vững theo nghị quyết của HĐND tỉnh với tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 7.400 tỷ đồng, kết quả thực hiện đến 2020 đạt hơn 11.000 tỷ, đến 2023 tổng kinh phí thực hiện hơn 15.000 tỷ đồng. Ngoài kinh phí từ ngân sách trung ương và địa phương bố trí cho chương trình thì nguồn lực thực hiện chủ yếu huy động của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình (tổng kinh phí hơn 894.120 triệu đồng với 1.239.163 người dân tham gia BHYT tỷ lệ bao phủ đạt 93,93%); Hỗ trợ học tập: học sinh phổ thông, trẻ mần non, sinh viên là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ học phí, chi phí học tập, học bổng và các khoản hỗ trợ khác trong học tập; công tác chăm sóc sức khỏe, trợ giúp trẻ em được quan tâm, thực hiên hiệu quả; Thường xuyên chăm lo nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin được đảm bảo. Tính chung giai đoạn 2008-2020, Hà Tĩnh đã xây dựng 16.512 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình người có công với cách mang, hộ gia đình bị thiên tai lũ lụt, với tổng kinh phí thực hiện là 635.039 triệu đồng. Riêng giai đoạn 2020-2023, chỉ trong hơn 2 năm (2020-2023) đã đầu tư xây dựng hoàn thành 58 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng chóng bão lũ, 10 điểm trường vượt lũ, hỗ trợ xây dựng mới 5.625 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai (trong đó Bộ công an huy động kết nối hỗ trợ 600/1.000 nhà hộ dân đã được phê duyệt) với Tổng kinh phí là 518 tỷ đồng.
Đến nay Hà Tĩnh không còn huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, thôn đặc biệt khó khăn miền núi. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh chỉ còn 3,79%, tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 4,04% (thấp nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ, Miền Trung Tây Nguyên và thấp hơn bình quân chung của cả nước), giảm 2,03% so với năm 2016 (năm 2016: 5,82 %).
Những kết quả nêu trên khẳng định các chính sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, được sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Hà Tỉnh chưa phải là tỉnh giàu nhưng công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với người có công, công tác giảm nghèo bền vững…thực sự đặc biệt được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực đưa lại hạnh phúc cho nhân dân là tiền đề, nền tảng quan trọng để tập trung thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong những năm tiếp theo.